THẦY TÀO TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN NGƯỜI NÙNG TỈNH BẮC GIANG

05 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Là thành phần dân tộc có số dân đông thứ hai trên địa bàn toàn tỉnh, người Nùng tỉnh Bắc Giang hiện nay vẫn còn bảo lưu được kho tàng di sản văn hoá truyền thống do ông cha để lại. Đó là những di sản văn hoá phong phú và độc đáo tồn tại trong đời sống của đồng bào qua bao thế hệ như tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, tập quán xã hội, dân ca, dân vũ,… và đặc biệt phải kể đến tín ngưỡng dân gian, một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt trong đời sống văn hoá người Nùng so với các thành phần dân tộc khác trong khu vực.

THẦY TÀO TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN NGƯỜI NÙNG TỈNH BẮC GIANG

Khung cảnh nghi lễ cấp sắc cho thầy Tào

Người Nùng theo quan niệm vạn vật hữu linh, tức là mọi vật đều có linh hồn. Vì vậy, đồng bào thường thờ cúng tổ tiên và những vị thần bảo vệ con người, bảo vệ gia cầm, gia súc, mùa màng, giúp con người xua đuổi tà ma như: thổ công, thần cửa, thần bếp, bà mụ… Người Nùng cũng chịu ảnh hưởng về giáo lý cũng như lễ thức của Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo… Họ đều suy tôn một cá nhân làm đại diện cho toàn thể cộng đồng. Người đó có thể cho là một vị thần linh đầu thai xuống trần gian cai trị thiên hạ, thường được coi là con trời. Vì vậy, trong các nghi lễ dân gian, người đại diện cho dân bản đứng ra chủ trì và thực hành các tín ngưỡng tâm linh không ai khác chính là thầy Tào.

Theo quan niệm của đồng bào, thầy Tào là người có chức sắc quan trọng trong làng bản và đứng ra giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống tâm linh. Người làm thầy Tào là những người có thể đi lại dễ dàng từ cõi này sang cõi khác, có khả năng giao tiếp với các đấng thần linh nên được dân gian coi là những người “sáng mắt”, có phép thuật, có khả năng tiếp xúc với các thế lực siêu nhiên, là người trung gian giữa cõi âm và dương. Họ là những người hiểu biết về kinh nghiệm sống và nắm bắt được phong tục tập quán của địa phương. Thầy Tào thuộc hàng thầy cúng với cấp bậc cao nhất, biết chữ Hán, có khả năng giao tiếp với Phật tổ Như Lai, với Ngọc Hoàng, Long Vương và các bậc thần linh khác. Thầy Tào có khả năng bói toán, địa lý, cũng có thể điều binh khiển tướng, giúp con người diệt trừ ma quỷ, cầu siêu, giải hạn, chữa bệnh cho con người và dân làng. Chính vì vậy, thầy Tào có một chức sắc quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người Nùng, được dân làng kính nể và gọi là thầy. 

Lễ cấp sắc cho thầy Tào được tổ chức long trọng

Những người được chọn làm Tào hầu hết là những người gia đình có truyền thống tổ tiên làm thầy từ đời trước truyền lại hoặc là người cung mệnh có căn số phải làm. Một người để trở thành thầy Tào phải trải qua nhiều thử thách và nhiều công đoạn, trong đó nghi lễ cấp sắc, tiếng Nùng gọi là nghi lễ « cái tào » - một nghi lễ vô cùng quan trọng, đánh dấu việc thầy Tào đủ điều kiện nhận trọng trách cao cả của các đấng thần linh và tổ tiên giao phó. Nghi lễ cấp sắc mô phỏng hành trình đến với thế giới của thầy tào từ lúc trong bụng mẹ cho đến khi sinh nở và được giao trọng trách làm thầy. Trước khi diễn ra lễ cấp sắc, người đệ tử cần học hỏi và kiêng kỵ vô cùng nghiêm ngặt. Những bước chuẩn bị cần có như: chọn sư phụ, chọn ngày làm lễ, chia giấy, nhịn ăn và tịnh thân giam mình trong buồng và tụng kinh, không ham mê nữ sắc, không sát sinh, kiêng ăn thịt trâu, thịt chó… Thông thường, nghi lễ cấp sắc thường diễn ra trong 2 ngày 1 đêm với các thủ tục vô cùng công phu và nghiêm túc. Người dân trong vùng tập trung tại nhà thầy tào để chứng kiến buổi lễ cũng như để chúc mừng cho thầy tào mới.

Lễ cấp sắc cho thầy Tào ở Bắc Giang

Thầy Tào sau khi cấp sắc được ban cho sách vở, thanh la, não bạt, chũm chọe, tù và, áo mũ để sử dụng khi hành lễ. Tuỳ vào tính chất của từng buổi lễ mà trang phục thầy Tào có sự thay đổi. Thông thường, các buổi cúng sinh nhật, trấn trạch,… thầy Tào mặc áo thân dài với kiểu cách đơn giản, không thêu hoa văn. Ở những nghi lễ lớn hơn như đám ma, lễ cấp sắc, thầy Tào mặc áo thân dài, thêu hoa văn hai mặt trước và sau. Trang phục và vật dụng làm lễ được thầy Tào cất giữ kỹ lưỡng và chỉ mở ra vào những lúc đi hành lễ và những dịp quan trọng. Hiện nay, thầy Tào còn nắm giữ một lượng tư liệu Hán Nôm vô cùng phong phú, đó là những cuốn sách cổ bằng chữ Hán, ghi chép về cách xem tử vi, phong thủy, sách xem ngày tốt, xấu… Đây là nguồn tư liệu dồi dào cho các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc Nùng.

Trong cuộc sống hàng ngày, thầy Tào vẫn tham gia lao động sản xuất cùng gia đình, chỉ khi có người mời làm lễ thì họ mới thực hành nghề Tào. Công việc quan trọng nhất của thầy tào khi thực hành tín ngưỡng đó là chủ trì đám tang, mà theo quan niệm người Nùng thì chỉ thầy Tào mới làm được. Ngoài ra, các nghi lễ vòng đời dân tộc Nùng cũng cần tới sự có mặt và hành lễ của thầy Tào như: lễ cầu mẹ tròn con vuông, lễ lập bàn mụ, lễ giải hạn, cầu bình an, lễ mừng sinh nhật, nối cầu số, xem ngày lành tháng tốt, đoạn tang… hay những lễ vào nhà mới, lễ kỳ yên, trấn trạch, di chuyển ban thờ tổ tiên, lễ cầu mùa, lễ trừ thiên tai, chăm lo miếu thổ công đều phải nhờ đến thầy Tào. Với cộng đồng, làng bản, thầy Tào là người phụ trách cầu mùa trong những dịp lễ Tết, cầu mưa thuận gió hòa, màu màng tươi tốt và cầu làng bản bình yên…

Vị trí của thầy tào trong tín ngưỡng dân gian người Nùng tỉnh Bắc Giang là vô cùng quan trọng. Thông qua các nghi lễ mà thầy Tào tái hiện trong cuộc sống thường ngày, đồng bào đã thể hiện thế giới quan độc đáo, không chỉ mang lại nhiều giá trị về mặt trị về mặt tín ngưỡng dân tộc mà còn củng cố niềm tin tinh thần, gắn kết cộng đồng và thể hiện bản sắc văn hoá truyền thống đặc sắc trong đời sống của đồng bào nơi đây./.

Nguyễn Thị Mai Thanh

 

 

 

0 Bình luận

Loading...