SẮC CHÀM DÂN TỘC NÙNG TỈNH BẮC GIANG

04 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Đến với khu vực vùng cao Lục Ngạn, Sơn Động tỉnh Bắc Giang, thấp thoáng bên những lùm cây xanh mướt hay những ngôi nhà tường đất óng màu thời gian, người ta dễ dàng nhận thấy những gia đình người Nùng đang sinh sống tại đây bởi những dải vải chàm xanh sẫm phơi khắp sân nhà. Sắc chàm cùng hương vị núi rừng nơi đây tạo  nên màu sắc văn hoá riêng biệt và độc đáo mà chỉ người Nùng mới có, khác hẳn với các dân tộc khác trong vùng.

SẮC CHÀM DÂN TỘC NÙNG TỈNH BẮC GIANG

Trước kia, do sinh sống tại vùng núi xa xôi, ít có điều kiện tiếp xúc, trao đổi với các dân tộc khác nên đồng bào thường phải tự túc về việc may mặc quần áo. Trang phục của người Nùng tỉnh Bắc Giang khá đơn giản cả về màu sắc lẫn kiểu may. Phụ nữ mặc áo 4 thân dài chấm mông, cổ tròn, cài khuy bên nách phải, quần lá toạ chấm gót. Nam giới mặc áo cánh 4 thân, cắt theo kiểu xẻ ngực, cổ tròn, không cầu vai, quần chân què. Đồng bào xa xưa tự trồng bông, dệt vải và nhuộm thành màu chàm để may quần áo. Vì vậy, nghề nhuộm chàm đã xuất phát từ lâu trong đời sống của người Nùng khu vực này.

Áo chàm xuống chợ ngày xuân

Người Nùng sau khi dệt vải xong mới đem vải đi nhuộm màu chàm. Màu chàm từ xa xưa được coi như màu sắc đặc trưng và là hơi thở của người Nùng ở vùng núi phía Bắc do đất trời ban tặng. Việc nhuộm chàm cần sự tỉ mỉ, khéo léo và cẩn thận nên chủ yếu do phụ nữ người Nùng đảm nhận. Nguyên liệu nhuộm được đồng bào lấy từ cây chàm, tiếng Nùng gọi là « Coốc ham » trồng trên nương rẫy trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 mới thu hoạch. Cây chàm sau khi thu hoạch được đồng bào ngâm trong các chum nước lớn. Sau 6- 7 ngày, khi lá chàm ngấm nước, đồng bào vắt bỏ kiệt bã. Nước chàm còn lại được hoà với nước vôi trong cho nhựa chàm trong nước lắng đọng. Sau khi hoà với nước vôi trong, đồng bào dùng rá bên trong có gio bếp múc nước chàm lọc qua nước gio này để gạn sạch cặn bã có trong chum nước chàm. Đến khi nhựa chàm lắng đọng, người ta chắt bỏ hết nước để lấy bột chàm đọng lại dưới đáy chum ròi đem phơi khô, khi sử dụng lại đem pha vào nước. Bột chàm có thể sử dụng dụng quanh năm. Khi đồng bào muốn nhuộm vải, chỉ cần lấy ít bột chàm pha cùng nước cho hoà tan. Tỷ lệ pha nước nhuộm chàm nhiều hay ít phụ thuộc vào ý thích của người sử dụng muốn có màu sắc vải đậm hay nhạt.

Một người phụ nữ ở Hộ Đáp phơi chàm sau khi nhuộm

Vải được ngâm trong chum nước chàm từ 1,5 đền 2 giờ đồng hồ rồi mang đi phơi khô từ 3 – 4 lần trong ngày tuỳ độ nắng từng ngày. Cứ thế trong khoảng từ 8 – 10 ngày, việc nhuộm chàm mới được hoàn tất. Sau đó, đồng bào dùng vải chàm này để may quần áo mặc thường ngày. Vải nhuộm chàm có đặc tính bền, đẹp, thể hiện nét riêng biệt của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi rừng. Trang phục thường ngày và trang phục ngày lễ  tết của đồng bào chỉ có một kiểu. Chỉ khác là trang phục ngày thường được đồng bào cắt khâu bằng vải thường, nhuộm màu sắc nhạt hơn. Trong ngày tết, tuy không có gì khác biệt song đồng bào thương cắt khâu quần áo bằng những loại vải đẹp, màu sắc nhuộm đậm và sắc nét hơn. Trong những ngày lễ hội hay các buổi chợ tình, người Nùng từ khắp các nẻo, từng tốp sắc áo chàm tíu tít cùng nhau làm nên khung cảnh vô cùng độc đáo và cuốn hút. Tuy đơn giản nhưng trang phục của người Nùng vẫn thể hiện được độ khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ và màu sắc trở thành nét văn hoá riêng biệt so với các thành phần dân tộc khác trong khu vực.  

Chum gốm đựng nước nhuộm chàm

Nhuộm chàm là một nghề thủ công với những quy trình phức tạp đòi hỏi sự bền bỉ, kiên nhẫn của người phụ nữ. Mặc dù trong đời sống hiện đại, vô vàn những chất liệu vải mới có mặt trong cuộc sống của người dân nhưng một số gia đình người Nùng ở Lục Ngạn, Sơn Động vẫn duy trì nghề dệt vải và nhuộm chàm theo cách truyền thống và trở thành một trong những nét văn hoá độc đáo khi nhắc tới người Nùng nơi đây.

Vải chàm sau khi nhuộm

Nguyễn Thị Mai Thanh

 

 

0 Bình luận

Loading...