Nét độc đáo trong trang phục người Dao tại Sơn Động

03 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang sống rải rác ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế… Trong đó, người Dao tập trung nhiều nhất tại huyện vùng cao Sơn Động. Không chỉ có dãy núi Tây Yên Tử linh thiêng, hùng vĩ, vùng đất Sơn Động còn ẩn chứa trong mình những báu vật vô giá về văn hóa. Một trong các báu vật đó chính là những bộ trang phục truyền thống của người Dao đã được đồng bào nơi đây gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Nét độc đáo trong trang phục người Dao tại Sơn Động

Trang phục phụ nữ Dao thị trấn Tây Yên Tử huyện Sơn Động

Với sự tinh tế trong cách ăn mặc, người Dao tại Sơn Động đã tạo ra những nét độc đáo riêng trong trang phục không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào. Được ví như những tác phẩm nghệ thuật rực rỡ, tinh tế, trang phục dân tộc Dao đã chuyển tải quan niệm về vũ trụ, nhân sinh của cộng đồng thông qua các hoa văn, họa tiết thêu, các in ấn trang trí trên trang phục. Theo nhiều kết quả nghiên cứu, trang phục truyền thống của người Dao khá đa dạng, phong phú. Đặc biệt là đối với người Dao cư trú trên địa bàn huyện Sơn Động. Mỗi nhóm người Dao đều có trang phục riêng, được thêu dệt rất cầu kỳ, độc đáo và họ đều có một đặc điểm chung là mặc áo dài và quần. Sự khác nhau được thể hiện ở một số họa tiết trang trí, mức độ bó sát của quần… Theo các cụ cao niên tại các bản làng người Dao, con gái Dao khi mới lên 5, lên 6 tuổi đã phải học thêu trang phục, tự tay thêu một vài đồ dùng cho mình để diện vào các ngày lễ, Tết. Kỹ thuật thêu của người Dao khá cầu kỳ, tỉ mỉ, thể hiện qua những hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng trên quần; họa tiết cây vạn hoa, hình cách đoạn trên khăn đội đầu… 

Khăn đội đầu của phụ nữ Dao

Trang phục truyền thống của nam giới người Dao hầu hết đều giống nhau gồm áo và quần. Cách dệt may áo khá đơn giản theo kiểu áo xẻ ngực, cổ thấp, khuy áo nhỏ gồm bốn thân ghép lại. Phía trước có bốn túi, mỗi vạt có hai túi, một ở trên ngực và một ở dưới bụng gần với gấu áo. Các túi được trang trí bằng tua sợi hoặc chỉ màu. Quần nam thường cũng rất giản đơn, để trơn, không thêu thùa trang trí. Đồng bào mua vải diềm bâu về, sau đó nhuộm bằng màu cây chàm rồi khâu hoặc may thành quần để mặc.

Trang phục phụ nữ Dao xã Tân Sơn

Trang phục truyền thống của phụ nữ người Dao ở Sơn Động cũng khá độc đáo và ấn tượng. Họa tiết, hoa văn được dệt nên từ những sợi với đủ sắc màu xanh, đỏ, vàng, trắng. Người Dao quan niệm, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đủ đầy trong cuộc sống nên màu đỏ giữ vai trò chủ đạo trong từng bộ trang phục. Trong đó, mỗi nhóm Dao sẽ có cách trang trí mang sắc thái riêng.

Người Dao bên sườn Tây Yên Tử

Phụ nữ Dao (Thanh Phán) ở Tây Yên Tử thường diện một bộ trang phục gồm khăn, mũ, áo màu đen hoặc chàm thẫm, quần, thắt lưng, xà cạp quấn chân và giày dép. Trên trang phục còn thêu nhiều hình hoạ quen thuộc bằng chỉ trắng, vàng, đỏ có nội dung gần gũi cuộc sống như hình chim muông, quả trám, sao 4 cánh, 8 cánh, chữ thập, người đội hoa cưỡi ngựa, cưỡi rồng, chim đội hoa, hổ chạy… Trên áo của thầy cúng thêu hình rồng chầu, hổ phục, công múa…Các hình thêu hình chim, chó chữ thập ngoặc, người đội hoa… Phần gấu áo, gấu quần được trang trí các tầng lớp hoa văn bố cục bên trong hình thoi… ngoài ý nghĩa trang trí, những họa tiết này còn thể hiện sự khéo léo, thể hiện ý niệm, khát vọng của người Dao về một cuộc sống sung túc, ấm lo, hạnh phúc.

Người Dao trong trang phục đi tham dự lễ hội

Bên cạnh đó, trang phục phụ nữ Dao Lô Gang trang trí trên áo theo kiểu thêu từng miếng vải riêng rồi đính vào vạt áo, cánh tay, sau lưng. Phía trước gấu áo được đính những miếng vải thêu rộng khoảng 15cm. Họa tiết trang trí trên áo là những hoa văn hình cây thông thêu bằng chỉ trắng, đỏ, vàng. Ống tay hẹp thêu chỉ đỏ. Bên trong gấu áo được viền bằng những miếng vải đỏ, bên ngoài gấu áo thêu các đường chỉ nhỏ màu đỏ. Sau lưng áo cũng được đính những mảng hoa văn trang trí với những hình tượng chim thú, hoa lá, song nước cách điệu. Yếm cũng được làm bằng vải diềm bâu nhuộm chàm và thêu thùa hoa văn chim thú, hoa lá cách điệu. Hai góc yếm phía dưới được đính hai dây để buộc ra phía sau, phía trên thì có đính khuy để cài ra sau gáy.

          Cũng như hai nhóm Dao Thanh Phán và Dao Lô Gang, phụ nữ Dao Thanh Y thường mặc trang phục áo dài màu chàm thẫm hoặc đen. Cửa ống tay được đáp thêm hai ô vải trắng, đỏ hoặc hoa. Áo không khoét cổ, nẹp cổ liền với nẹp ngực, nhưng đã có sự phân biệt rõ ràng giữa cổ áo và nẹp ngực. Nẹp cổ viền bên ngoài bằng vải trắng, lui vào trong thêu chỉ đỏ và xanh, trong cùng là một băng họa tiết chữ thập ngoặc nối liên tiếp. Nẹp ngực đồng thời cũng là nẹp thân đáp bằng vải đỏ (nay nhiều người thay bằng vải in hoa). Một điều khác biệt với tất cả các nhóm Dao đó là thân áo trước bên phải ngắn hơn thân bên trái và thân bên trái lại ngắn hơn thân sau.

          Ngoài ra, đối với người Dao, đi cùng với những bộ trang phục truyền thống thì nhất thiết phải có đồ trang sức. Và cũng có thể nói rằng phụ nữ Dao rất thích đồ trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay, vòng tay, nhẫn, xà tích... Lễ phục trong đám cưới, ngày hội, ngày Tết và trong sinh hoạt tín ngưỡng ở đây phải mặc lễ phục cổ truyền. Riêng thầy cúng khi hành lễ phải có trang phục riêng vì họ quan niệm thế giới siêu linh có nhiều loại ma và thầy giao tiếp với ma nào thì phải thay mũ áo cho thích hợp với ma đó; bộ lễ phục này cần chú ý nhất là mũ và áo gọi là mũ áo ma. Trang phục thầy cúng của các nhóm Dao nói chung chỉ khác nhau ở những màu sắc và hoa văn trang trí, còn lại cơ bản giống nhau. Mũ thầy cúng của người Dao Lô Gang, Thanh Phán là mũ cánh sen, làm bằng giấy bồi và vải có thể xếp lại, xoè ra được; mũ thầy cúng nhóm Dao Thanh Y lại giống mũ của các thầy thư lại và còn có loại mũ như mũ của lính dõng. 

          Trang phục truyền thống của dân tộc Dao ở Sơn Động là sản phẩm vật chất của lao động, đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa tồn tại qua nhiều đời nay thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, là mốc chỉ dấu quan trọng mang đậm bản sắc văn hóa và chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử văn hoá của đồng bào. Trang phục truyền thống là biểu hiện sinh động của kỹ thuật thủ công gắn liền với khả năng thẩm mỹ và nó luôn mang những sắc thái văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc Dao. Trang phục truyền thống còn thể hiện trình độ thẩm mỹ cao, một đời sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm nguyên sơ mà phong phú, hoà quyện, chan hoà với cảnh sắc thiên nhiên góp phần đáng kể làm rạng rỡ thêm sắc thái văn hoá của đồng bào các dân tộc ở Bắc Giang./.

Nguyễn Thị Thu Hiền

0 Bình luận

Loading...