MÙA XUÂN TÌM HIỂU LỄ HỘI CẦU MÙA CỦA NGƯỜI DAO Ở SƠN ĐỘNG

15 Tháng 11, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Dân tộc Dao ở Bắc Giang có khoảng trên 10 nghìn người cư trú tại 4 huyện miền núi: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Trong đó, người Dao tập trung nhiều nhất tại huyện vùng cao Sơn Động, chủ yếu thuộc các nhóm Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán và Dao Lô Gang. Trong số các nhóm Dao hiện đang có mặt tại tỉnh Bắc Giang thì Dao Thanh Y đến cư trú khoảng thế kỷ XVII, còn Dao Lô Gang đến muộn hơn, có thể từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Hiện nay, họ sống tập trung thành làng riêng hoặc xen kẽ với một số dân tộc anh em như Tày, Nùng, Sán Chay... Cùng với các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đầu năm là thời điểm diễn ra các Lễ hội. Trong đó có Lễ hội Cầu mùa (chầu nhẩn) của người Dao huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Đây là lễ hội dân gian mang sắc thái tín ngưỡng văn hoá đặc trưng tiêu biểu của người Dao huyện Sơn Động còn duy trì đến ngày nay.  

Người Dao ở Sơn Động quan niệm vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như: trời, đất, nương rẫy...đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Do vậy, Lễ hội Cầu mùa là một trong những lễ hội truyền thống của người Dao, được tổ chức vào mùa Xuân, khởi đầu từ tháng Giêng và kéo dài suốt tháng Ba, phản ánh niềm tin vào các thế lực siêu nhiên của người Dao thuở sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp trên miền đất này.

Lễ hội Cầu mùa là nghi lễ chung của cả bản làng, có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Dao. Đây là dịp để người Dao cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, đầy đủ và may mắn cho dân làng, cuộc sống được sung túc, vui vẻ, hạnh phúc tới tất cả các thành viên trong bản làng.. Đồng thời, lễ hội cũng là dịp để người Dao gặp gỡ, giao lưu, tăng cường tình đoàn kết và giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Để thực hiện Lễ Cầu mùa, mỗi gia đình trong bản đều đóng góp của cải để tổ chức, cùng bàn bạc và thống nhất trong tất cả các thành viên trong bản. Già làng sẽ chọn một ngày lành tháng tốt và báo cho tất cả mọi người dân trong bản tập trung và phân công nhau cùng tổ chức Lễ  hội Cầu mùa. Theo thông lệ, ở Sơn Động Lễ hội Cầu mùa được tổ chức ba năm một lần Lễ cúng được diễn ra trên một khu đất bằng phẳng, hoặc trên một quả đồi nơi có miếu thờ Thổ công có không gian thoáng đãng thuận lợi cho việc tổ chức. 

Trước ngày lễ hội, mọi người tu sửa, dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, miếu thờ sạch sẽ. Lễ vật dâng cúng tế do các gia đình trong bản đóng góp, Theo phong tục người Dao, lễ vật dâng cúng thần linh trong Lễ hội Cầu mùa rất quan trọng và phải được chuẩn bị chu đáo. Điều đặc biệt là tất cả các đồ dâng cúng đều phải do các gia đình tự nuôi trồng để thể hiện lòng thành kính. Mâm cúng gồm: Thịt lợn, thịt gà, cơm, xôi, hoa quả, rượu… Sau đó thầy cúng báo tổ tiên, cúng thần thổ công, long đất và những vị thần núi, thổ công bao quanh làng; cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, sai hoa kết trái, nặng bông trĩu quả và phù hộ, che chở cho bà con bình an, mạnh khoẻ, hạnh phúc, no đủ; con trâu, con bò, lợn, gà nhanh lớn không bị dịch bệnh.. Trưởng bản và già bản là người có trách nhiệm chính lo liệu mọi công việc khi lễ hội diễn ra.

Nghi lễ cúng tế trong Lễ hội Cầu mùa diễn ra trang nghiêm, các thầy cúng được mời đến thực hiện nghi lễ theo phong tục. Mỗi thầy làm một nhiệm vụ riêng. Thầy gọi Ngọc Hoàng, thầy gọi Thần đất để chứng giám, một thầy nhảy múa đánh nhạc cụ. Khi thực hiện nghi lễ phải có dụng cụ dao, búa, cuốc, liềm… những đồ dùng gắn với đời sống nông nghiệp của đồng bào. 

Thầy cúng thông qua bài văn cúng, nội dung đại thể cầu xin Ngọc Hoàng, cầu xin Bàn Cổ, xin ông Thổ công của làng bản giúp cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt; cầu cho mọi người dân trong thôn bản bình an, mạnh khoẻ, có bát cơm để ăn, tấm áo đẹp để mặc, con trâu, con bò, lợn, gà, nhanh lớn. Trẻ em được đến trường lấy cái chữ về bản.

Trong Lễ hội Cầu mùa, thầy cúng dùng lối hát nghi lễ, một trong những làn điệu dân ca Páo dung để điều hành nghi lễ. Những câu hát nghi lễ cung kính, trang nghiêm, thầy cúng thay mặt dân bản gửi lời cầu nguyện của con cháu đến tổ tiên và các vị thánh thần về chứng kiến buổi lễ. 

Lễ cúng diễn ra liên tục trong suốt thời gian lễ hội. Thầy cúng đọc truyện Bàn Hồ- một truyện thơ dân gian kể về nguồn gốc của người Dao cho mọi người dự hội cùng nghe để biết nhớ về nguồn cội. Theo phong tục, trong khi các thầy cúng làm việc, mọi người phải ăn chay để tỏ lòng tôn kính tổ tiên và các bậc thánh thần.

Lễ hội cầu mùa không chỉ có người Dao trong các bản mà còn có nhiều đoàn khách thập phương đến dự hội nên rất đông vui. Ở Lễ hội Cầu mùa của người Dao còn có lệ hát mời rượu, hát bốn mùa... Đặc biệt là hát đố thể hiện tư duy, trí thông minh, kinh nghiệm của người Dao trong đời sống hằng ngày rất rõ. Họ đố nhau về thời tiết trong năm, đố về con vật, các loài hoa, về bốn mùa… Lời hát súc tích, đòi hỏi bạn hát phải nhanh nhạy và có sự hiểu biết mới ứng đối kịp thời.

Cùng với lời ca Páo Dung, trong lễ hội cầu mùa của người Dao còn có múa cầu mùa. Nhóm múa có 16 người, 8 nam, 8 nữ múa theo vòng tròn. Nam cầm gậy dài, nữ cầm giỏ đựng hạt giống, vừa múa vừa làm động tác gieo hạt, miêu tả hạt nảy bông sai trái. 

Bằng các nghi lễ truyền thống, những  điệu múa cầu mùa của người Dao cũng thể hiện sự tôn kính với thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Đây không chỉ là nơi thể hiện nét đặc sắc trong truyền thống của bà con dân tộc Dao mà còn là nơi thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hoá của họ.

Giữa không gian bình yên của núi rừng Sơn Động, lời ca Páo Dung ngọt ngào, da diết bay bổng hoà quyện cùng tiếng kèn trầm ấm lan toả vào không gian của núi rừng, lòng người khiến Lễ hội Cầu mùa của người Dao có nét đặc trưng riêng mà ai đã đến tham dự khó có thể quên. 

Song song với các hoạt động tế lễ cầu mùa, phần hội cũng diễn ra sôi nổi với các trò chơi truyền thống như: Tung còn, đánh tù lu, đi cà kheo... Kết thúc phần hội, mọi người cùng tập trung tạ lễ, mổ lợn cúng và nấu cỗ khao làng.

Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Dao ở Sơn Động thể hiện rõ tính giáo dục, sự kế thừa những tinh hoa văn hoá và ý thức cội nguồn của dân tộc. Phải khẳng định rằng, nhờ có những ngày lễ hội, mà tất cả mọi người có khoảng thời gian quên đi những nhọc nhằn của đời sống, để được hân hoan trong cái không khí vui vẻ, được trẩy hội, vãn cảnh. Và hơn hết thời gian như lắng đọng để con người ta có thể ngược dòng lịch sử về với những câu chuyện thần linh, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, đồng thời với quan niệm có thờ có thiêng, có kiêng có lành, đi lễ hội là trân trọng thần linh, rước niềm vui về nhà để một năm thuận lợi, bình an.

Nếu bạn yêu thích văn hóa dân tộc và muốn khám phá những nét đẹp của văn hóa người Dao, thì lễ hội cầu mùa là một sự kiện không thể bỏ qua. Đây là dịp để bạn trải nghiệm những hoạt động truyền thống, thưởng thức ẩm thực đặc sản và tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của người Dao vùng cao Sơn Động./.

 Nguyễn Thanh Huyền

MÙA XUÂN TÌM HIỂU LỄ HỘI CẦU MÙA  CỦA NGƯỜI DAO Ở SƠN ĐỘNG
0 Bình luận

Loading...