Khai thác văn hoá truyền thống người Dao cho phát triển du lịch bản Mậu Sơn Động

04 Tháng 11, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Lâu nay, văn hoá truyền thống dân tộc là một trong những nguồn lực quan trọng, cốt lõi cho việc phát triển du lịch. Với việc gìn giữ bảo tồn được nhiều nét văn hoá truyền thống dân tộc đặc sắc, độc đáo của đồng bào người Dao, bản Mậu Sơn Động, Bắc Giang đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan trải nghiệm.
Dân tộc Dao tại Bản Mậu chủ yếu là nhóm Dao Thanh Phán. Khi mới đến Bắc Giang, người Dao sống du canh du cư và đốt rừng làm nương rẫy. Hái lượm lâm thổ sản, săn bắt là nguồn sống chủ yếu của họ. Sau này khi đã định canh định cư, người Dao ở đây vẫn làm nương rẫy là chủ yếu. Các hoạt động bổ trợ khác như chăn nuôi, thủ công nghiệp gia đình và khai thác các nguồn lợi tự nhiên cũng có vai trò đáng kể. Đồng bào chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm. Tất cả các hoạt động khác như chăn nuôi, các ngành nghề thủ công gia đình, trao đổi buôn bán hay săn bắn hái lượm đều là những hoạt động kinh tế phụ mang tính chất bổ trợ cho hoạt động trồng trọt. Trang phục phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán ở Bắc Giang có đặc điểm là trang phục có màu chàm sẫm, không có họa tiết trang trí, nữ mặc áo dài, đội khăn mỏ quạ màu chàm sẫm.
Trình diễn múa rùa người Dao
Do đặc điểm thành phần dân tộc cùng với vị trí địa bàn cư trú mà dân tộc Dao bản Mậu ngày nay vẫn còn gìn giữ và bảo tồn được nhiều nét văn hoá truyền thống đặc sắc. Tiêu biểu trong đó phải kể đến nghề thêu ren gắn với sản phẩm trang phục truyền thống dân tộc Dao nơi đây. Việc thêu thùa gắn liền với cuộc sống của đồng bào, đặc biệt là phụ nữ Dao Thanh Phán, được coi là “hồn cốt” góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của người Dao. Đây là nghề không chỉ đơn thuần tạo ra những bộ trang phục truyền thống mà còn chứa đựng văn hóa, thể hiện nếp sống, nếp nghĩ, tín ngưỡng của dân tộc Dao nơi đây.
Mỗi sản phẩm của nghề thêu ren tựa như một bức tranh văn hóa của người Dao với sự hài hòa, tinh tế về hoa văn, họa tiết và màu sắc. Trang phục thêu của người Dao thường có màu sắc rất sặc sỡ như đỏ, vàng, xanh lá cây. Những hoa văn thêu thổ cẩm của phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán mang ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với đời sống, tín ngưỡng, sản xuất nông nghiệp, ước mong cuộc sống có được mọi điều viên mãn, như: Hình lưỡi bừa, con đường, con chim, chân chó, hoa 8 cánh, mặt trời, lá cây… Những biểu tượng truyền thống ấy được phụ nữ Dao khéo léo phối màu, cân đối các họa tiết linh hoạt cho phù hợp với những sản phẩm có chất liệu, kích thước, mục đích sử dụng khác nhau, như: Miếng lót ly, cốc; áo nam, nữ; túi xách, túi đựng điện thoại, ví đựng đồ dùng… Mỗi sản phẩm lại toát lên những ý nghĩa, nét đẹp khác nhau.
Nghệ nhân và đồng bào dao trình diễn nghề thêu ren
Nghề thêu truyền thống của người Dao Thanh Phán vẫn đang được mỗi thế hệ người Dao giữ gìn, nâng niu và trân trọng. Song để gìn giữ, bảo tồn, phát huy vốn quý này một cách bền vững, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc, chung tay mạnh mẽ hơn của các cấp, ngành, địa phương, để nâng tầm sản phẩm thêu truyền thống vượt ra khỏi phạm vi gia đình, trở thành sản phẩm mang tính hàng hóa. Thông qua các sự kiện du lịch, xúc tiến thương mại của huyện hay tỉnh tổ chức, sản phẩm thêu ren đã được người dân địa phương giới thiệu tới nhiều đoàn du khách và được yêu thích. Khách du lịch đến với Tây Yên Tử đã vô cùng thích thú với các sản phẩm thêu ren của phụ nữ dân tộc Dao như áo dân tộc, các loại túi, khăn thủ công... Nhiều du khách đã quan tâm và mua làm quà lưu niệm.
 Với tiềm năng phát triển du lịch hiện nay, nghề thêu truyền thống của người Dao Thanh Phán sẽ có cơ hội phát triển, xây dựng thương hiệu vươn ra thị trường rộng lớn. Qua đó, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Bên cạnh nghề thêu ren thì nghề truyền thống hái và bốc thuốc Nam của người Dao cũng rất nổi tiếng được du khách ưa chuộng. Bên những cánh rừng u tịch trong khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, người Dao ở bản Mậu từ đời này qua đời khác truyền cho nhau nghề hái và bốc thuốc nam. Các loại cây, lá trong rừng đối với người dân nơi đây đều là những sản vật quí của rừng ban tặng cho con người để phòng trừ và chữa các loại bệnh tật.
Múa truyền thống người Dao
Cuộc sống tự cung tự cấp, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên giúp bà con nơi đây lưu giữ được nhiều kinh nghiệm sử dụng nguồn dược liệu trong tự nhiên. Bên cạnh việc trồng, chế biến cây dược liệu, đồng bào còn có các bài thuốc nam phòng và chữa trị bệnh. Kinh nghiệm chữa bệnh bằng cây thuốc đã được tích lũy từ đời này qua đời khác, được lưu truyền trong các gia đình và cộng đồng. Bà con có các bài thuốc rất tốt cho sản phụ sau sinh tắm; thuốc chữa bệnh dạ dày, sỏi thận, ho, hen, rắn cắn, viêm tai, thanh nhiệt, bổ máu, mụn nhọt, vv… Đồng bào dùng các loại rễ, lá, củ, quả thực vật lấy trong rừng; một số cây thuốc hiếm còn được trồng ngay trong vườn nhà hoặc trên nương. Cách chữa và sử dụng thuốc cũng khác nhau, có thể sử dụng các bài thuốc uống hoặc ăn, ngâm, rửa vết thương; giã nát, ủ ấm rồi đắp hoặc bó vào; đánh gió, xoa bóp, bấm huyệt, vv…
Thuốc nam của người Dao bản Mậu đã trở thành một sản phẩm du lịch và được du khách tìm kiếm vào dịp lễ hội Tây Yên Tử. Hơn nữa gắn với nghề hái thuốc Nam của đồng bào dân tộc nơi đây thì nhiều nét văn hóa truyền thống bản địa liên quan đến nghề “săn lộc rừng” cũng được khách du lịch thích thú khám phá. Lễ "Cúng rừng" với lễ nghi trang trọng sẽ diễn ra trong 10 tiếng đồng hồ vào ban đêm tại nhà già bản. Khi tổ chức cúng rừng, không khí trong bản vui vẻ nhộn nhịp hẳn lên, mọi người sửa soạn bàn thờ tổ tiên, nhà cửa sạch sẽ, những chàng trai, cô gái vui vẻ trong những bộ trang phục truyền thống và những bài hát, điệu múa, những tiếng nói, tiếng cười, tiếng kèn gọi bạn của các bạn nam thanh niên người Dao làm vang động cả vùng thung lũng dưới chân núi Yên Tử hùng vĩ.
Lễ hội  xuân Tây Yên Tử
  Nét văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào nơi đây cũng là một trong những điểm thu hút hấp dẫn du khách mỗi khi ghé thăm. Trong đó nổi tiếng nhất là các món chế biến từ măng. Măng núi rừng Tây Yên Tử phong phú và dồi dào với các loại măng: Măng đắng, măng mai và măng nứa. Thời gian thu hái măng gần như quanh năm, nhưng tập trung nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch. Những tháng đầu năm là thời kỳ thu hái các loại măng đắng, thời gian tiếp theo có thêm măng mai, măng nứa. Đối với măng mai, măng nứa, đồng bào không chỉ ăn tươi mà còn chế biến thành măng khô để dành ăn dần hay đem bán. Măng cũng thường được chế biến thành măng chua. Măng chua phơi khô thường mềm, dễ chế biến hơn loại măng luộc phơi khô. Măng vùng này rất được thực khách ưa chuộng   không chỉ thưởng thức các món măng do người bản địa chế biến tại đây mà cò họ còn có nhu cầu mua về làm quà biếu cho người thân bạn bè.
Khách DL tham quan trải nghiệm Tây Yên  Tử
Như vậy có thể khẳng định rằng văn hóa truyền thống là một trong những chất liệu (nguồn lực) cơ bản, quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch nhất là loại hình du lịch văn hoá đặc sắc. Việc phát triển du lịch nhất là du lịch bền vững, gắn với bảo tồn, khai thác, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có có đồng bào người Dao đã và đang nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ tỉnh cho đến địa phương. Tuy nhiên để tạo ra hiệu quả mang tính đột phá nhất đối với ngành du lịch tỉnh nhà thì cần sự cố gắng chung tay góp sức đồng lòng hơn nữa của các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị và Nhân dân nhất là dân cư địa phương./.
Hà Bộ
Khai thác văn hoá truyền thống người Dao cho phát triển du lịch bản Mậu Sơn Động
0 Bình luận

Loading...