GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ĐÚC KẾT TRONG ĐIỆU HÁT DÂN CA DÂN TỘC DAO

08 Tháng 12, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG  ĐÚC KẾT TRONG ĐIỆU HÁT DÂN CA DÂN TỘC DAO
Dao là một trong 7 thành phần dân tộc chủ yếu của tỉnh Bắc Giang, sinh sống tập trung ở các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn. Đồng bào hiện còn gìn giữ nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó không thể không kể đến hát dân ca, người Dao gọi là Páo dung.
Dân ca Dao xuất phát từ cuộc sống lao động và sinh hoạt hàng ngày của đồng bào. Thông qua lời ca tiếng hát, người Dao gửi gắm các cung bậc tình cảm, mong ước tốt đẹp về mùa vụ, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, làng bản, tình yêu đôi lứa. Thông qua câu hát, người Dao còn thể hiện trí tưởng tượng phong phú của mình về sự hình thành thế giới tự nhiên, con người được đúc kết trong các câu chuyện cổ. Sự phong phú, đa dạng về thể loại và cung bậc tình cảm gửi gắm trong câu hát đã nói lên tầm quan trọng của Páo dung trong đời sống tinh thần của người Dao.
Dân ca Dao được lưu truyền trong cộng đồng qua hình thức truyền miệng và ghi chép bằng chữ Hán Nôm Dao. Gần đây đồng bào còn sử dụng chữ Quốc ngữ để phiên âm lời hát cho dễ đọc, dễ nhớ. Các bài hát thường được hình thành trên thể thơ thất ngôn. Một bài hát thường gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ. Hai câu hợp lại thành một ý, hai ý là trọn vẹn một bài. Số bài hát dài trên 4 câu chỉ bằng nửa số bài hát 4 câu và 2 câu. Trong cuộc hát đối đáp, mỗi bên chỉ hát 2 câu 14 chữ để bên kia đối lại. Tuy chỉ có 14 chữ, nhưng cách hát nhấn nhá, giọng ngâm kéo dài tạo thành giai điệu.
Dân ca Dao được gìn giữ và phát triển
Ví dụ như một câu hát:
Chả gầy mầu tẳng nòi gầy ón
Mồng giong thỏ khòa chíu môn lau
Người Dao khi hát sẽ ngân nga, dùng những từ nối, từ đệm kéo dài:
Chả gầy mầu tẳng… hà hôi hết, mầu tẳng… í… a… nòi gầy ón… ế hê…
Mồng i… í… giong … hà hôi hết, thỏ khòa gầy ón… ế hê…
Mồng giong thỏ khòa … hà hôi hết…, môn lau … ế hê … chíu môn lau ế… hê…
Hát dân ca là một sinh hoạt văn hóa tinh thần đã tồn tại từ lâu đời trong cộng đồng dân tộc Dao. Dân ca Dao được cất lên trong nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh khác nhau chứ không đơn thuần là những lời ca giải trí khi nhàn rỗi hay lời hát giao duyên của nam nữ. Qua quá trình điều tra sưu tầm tại một số bản Dao, có thể thống kê những hoạt động có hát dân ca trong đời sống của đồng bào:
- Lễ cấp sắc: là một nghi lễ quan trọng không thể thiếu trong đời sống của người Dao. Theo tập quán dân tộc, nam giới Dao phải được cấp sắc ít nhất một lần trong đời để được chứng nhận là thành viên của cộng đồng, khi chết đi mới được trở về vùng đất của tổ tiên. Mỗi lễ cấp sắc là một lễ hội của cả cộng đồng làng bản. Khi một gia đình trong bản tổ chức lễ cấp sắc, thôn bản, bạn bè xa gần sẽ đến chúc mừng, chứng kiến buổi lễ để chứng nhận một thành viên mới bước vào cộng đồng. Đây là nghi lễ có rất nhiều hình thức hát dân ca như hát nghi lễ, hát chúc mừng, hát kể chuyện, hát uống rượu.
Hát nghi lễ thường do các thầy cúng, những người trực tiếp tiến hành các nghi lễ thực hiện. Lời hát thường cung kính, trang nghiêm với mục đích gửi lời cầu nguyện của con cháu đến tổ tiên và các vị thánh thần về chứng kiến buổi lễ.
Hát chúc mừng là lời hát của các bà, các chị đến dự lễ, hát chúc mừng cho gia chủ làm được lễ cấp sắc cho con, chúc mừng thành viên mới của cộng đồng.
Hát kể chuyện: một lễ cấp sắc thường kéo dài trong 3-5 ngày, nên vào buổi tối sau các nghi lễ cần thiết hoặc song song với các nghi lễ, người cao tuổi sẽ hát nhẹ nhàng, kể các câu chuyện cổ của dân tộc cho con cháu nghe.
Múa rùa- một nghi lễ trong lễ cấp sắc
Hát uống rượu là cách thanh niên bày tỏ trong bữa cơm sinh hoạt tại lễ cấp sắc với mục đích tạo không khí vui vẻ, chung vui cùng gia chủ.
- Lễ cầu mùa: là một lễ hội lớn trong năm của người Dao, được  tổ chức trong mùa xuân để cầu cho bản làng yên vui, mùa màng bội thu. Trong lễ cầu mùa có các hình thức hát: hát nghi lễ, hát kể chuyện, hát uống rượu.
- Lễ cưới: trong đám cưới của người Dao đến nay vẫn có hát dân ca với các hình thức: hát nghi lễ, hát uống rượu, hát giao duyên.
Hát nghi lễ giữa nhà trai và nhà gái. Người hát trực tiếp là ông mối nhà trai và ông cậu hoặc ông mối nhà gái. Đây gần như là một thủ tục bắt buộc khi nhà trai sang nhà gái trao lễ thách cưới và đón dâu.
Hát uống rượu cũng tương tự như hát chúc mừng, là cuộc hát vui trong mâm cơm giữa những người khách đến mừng đám cưới, diễn ra ở cả nhà gái và nhà trai.
Hát giao duyên: thường vào đêm trước ngày nhà trai đón dâu sẽ có hát giao duyên tại nhà gái. Thanh niên nam nữ trong bản và bạn chú rể hát giao duyên góp vui cho đám cưới.
- Tang lễ: hát dân ca trong tang lễ không nhiều, thường chỉ có một hình thức hát nghi lễ, là những lời cầu nguyện, thông điệp mà các thầy cúng gửi tới tổ tiên và các vị thần linh để thông báo có một linh hồn đang về đất tổ.
- Xuống chợ: là hình thức hát giao duyên nam nữ khi đi chợ. Theo phong tục, trai gái khác bản mới hát giao duyên. Thường vào những phiên chợ xuân, thanh niên nam nữ các bản nô nức xuống chợ mua sắm và tìm bạn hát. Không chỉ nam nữ thanh niên chưa vợ chưa chồng, những người đã có gia đình vẫn đi chợ hát khi có người hát cùng. Lời hát của những người đã có gia đình thiên về việc thăm hỏi, than thở hoặc tiếc nuối thời gian đã qua. Đặc biệt trong các phiên chợ, người già không tham gia hát.
- Hát trong mùa xuân: mùa xuân là thời gian nông nhàn nhất trong năm, đặc biệt có tết cổ truyền nên có nhiều hình thức hát: hát uống rượu, hát chúc mừng năm mới, hát giao duyên nam nữ.
- Mừng nhà mới: phổ biến là hát uống rượu
- Ru con ngủ: hát ru, hát răn dạy
- Đi chơi hát: vào bất cứ thời gian nào trong năm, thường thấy là dịp xuân, thu, trai gái trong bản lập thành từng nhóm đi hát với thanh niên bản khác. Hình thức hát cơ bản có hát giao duyên, hát đố, hát kể chuyện. Cuộc hát tổ chức tại 1 gia đình, có xin phép tổ tiên, người lớn trong nhà. Các cuộc hát xưa kia diễn ra sôi nổi với những ca từ được ứng khẩu tại chỗ để phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Đặc biệt là khi hát đố về các sự vật hiện tượng trong đời sống hàng ngày: thời tiết, con vật, các loài hoa, 12 con giáp… Khi hát đó, trí thông minh, sự đúc kết kinh nghiệm của đồng bào Dao được thể hiện rất rõ. Lời hát ngắn gọn, súc tích, đòi hỏi sự phản ứng nhanh nhạy và hiểu biết mới có thể ứng đối kịp thời.
Múa chuông
Thông qua các hoạt động có hát dân ca trong đời sống của dân tộc Dao như trên, có thể thấy hát dân ca Dao có nhiều thể loại, hình thức hát: hát giao duyên, hát ru, hát nghi lễ, hát chào mừng, hát đố, hát kể chuyện. Số lượng các bài hát ở từng thể loại có khác nhau, được ghi chép lại trong sách dân ca tại một số bản Dao: Hát giao duyên 600 bài; hát nghi lễ 200 bài; hát kể chuyện 180 lượt hát về 7 truyện cổ; hát ru 30 bài; hát chào mừng 50 bài; hát đố: 50 bài.
Dân ca dân tộc Dao là giá trị văn hóa được kết tinh trong đời sống tinh thần của người Dao. Dân ca mang các nội dung giáo dục và lưu truyền văn hóa truyền thống với ý thức về nguồn gốc cộng đồng rất cao. Đây có thể là chìa khóa mở vào cánh cửa kho tàng văn hóa truyền thống của người Dao nhanh nhất. Thông qua dân ca Dao, hàng loạt sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đời sống cộng đồng được diễn tả đầy đủ, kỹ lưỡng. Bởi vậy nghiên cứu dân ca Dao giúp ích rất nhiều cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Dao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
H.K
 
0 Bình luận

Loading...