ĐỘC ĐÁO NGHI LỄ LẨU THEN NGƯỜI NÙNG HUYỆN LỤC NGẠN

20 Tháng 3, 2023 | Làng Văn hoá Du lịch

Then là một loại hình sinh hoạt văn hóa tâm linh lâu đời của đồng bào các dân tộc Nùng ở Lục Ngạn nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Đây cũng là một loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp, phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống, từ niềm vui, nỗi buồn đến những ước vọng, hoài bão, hướng tới những điều bình an, tốt đẹp. Tháng 12 - 2019, tổ chức UNESCO đã chính thức ghi danh Di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này một lần nữa khẳng định thế giới đánh giá cao kho tàng văn hoá phong phú của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

ĐỘC ĐÁO NGHI LỄ LẨU THEN NGƯỜI NÙNG HUYỆN  LỤC NGẠN

Tại huyện Lục Ngạn, đồng bào dân tộc Nùng tập trung phân bố ở các xã Biển Động, Biên Sơn, Tân Hoa, Phú Nhuận, Đèo Gia, Sơn Hải, Tân Sơn, Phong Vân, Hộ Đáp...từ lâu đời. Trong quá trình hình thành và phát triển họ đã tạo cho mình một đời sống tinh thần khá phong phú, có nền văn nghệ cổ truyền với đủ các thể loại. Các làn điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượn, hát đám cưới, hát ru con... Đặc biệt đồng bào có hát then, đã đáp ứng được nhu cầu văn hoá tâm linh, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của người dân. Có thể nói then là hiện tượng văn hoá dân gian tổng thể có tính nguyên hợp, là hình thức nghi lễ diễn xướng nghệ thuật tổng hợp gồm có hát, nhạc, múa, trang phục. Nói cách khác, âm nhạc là điều kiện cần và đủ để giúp then nhập hồn và thoát hồn, khả năng đó nếu không có âm nhạc then sẽ không làm được.

Thực hành nghi lễ cúng then trong lễ tăng binh tăng chức

Những người làm then được gọi là "Then" có nghĩa là thiên (người của trời). Then bao gồm cả nam và nữ giới. Điểm chung nhất giữa họ là khả năng đàn hát, trong đó khả năng đánh đàn tính là đặc điểm cơ bản để phân biệt cách thức hành nghề của họ với các loại thầy cúng khác. Những người làm then thường có đặc điểm xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nghề then hoặc nghề thầy cúng nhiều đời, nếu là phụ nữ có thể phải nối nghiệp làm then cho nhà chồng và những người có căn số phải làm then. Những người này phải là những người nhẹ vía, có căn số làm thầy cúng. Người có căn số thường mê then, nhạy cảm với then. Có thể nhảy múa một cách bản năng theo các trường đoạn then. Cũng có trường hợp trong dòng họ có người làm nghề thầy cúng thì con cháu có thể bị ốp làm then. Những người đó thường có biểu hiện sức khỏe thần kinh không bình thường, nếu là phụ nữ thì lẩn thẩn bỏ nhà đi lang thang, gia đình luôn gặp nhiều xui xẻo. Sau khi học nghề, chỉ khi nào làm lễ cấp sắc thì bà then mới chính thức được công nhận vào nghề. Từ đây họ sẽ làm lễ then theo khả năng và trình độ của mình và phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm của các gia chủ.

Thông thường, mỗi thầy then chưa đủ 15 bậc then thì ba năm sẽ tổ chức lễ đổ rượu then để nâng bậc một lần. Còn với bà then đã đủ 15 bậc, mỗi năm có thể 3 lần làm lễ đổ rượu then vào dịp rằm các tháng 2, 7 và 11 hằng năm để bước vào hàng ngũ những người cấp cao, uy tín hơn trong việc cúng then. Nghi lễ này được tiến hành rất cầu kỳ, với sự tham gia của nhiều Then trong dòng, cùng với đó là sự góp mặt của họ hàng, bạn bè và hàng xóm láng giềng... Thông thường lễ lẩu Then đầu tiên trong sự nghiệp thực hành Then của một Thầy Then sẽ là lẩu khai quang (cấp sắc), kế đó là lẩu tăng binh mã, lẩu khao quân, lẩu cầu an (cầu bình an), lẩu chuộc binh... Các thầy then (những người làm then cúng) có vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống văn hóa tâm linh, trở thành một phần của đồng bào dân tộc Nùng ở Lục Ngạn. Họ có mặt trong mọi nghi lễ của người Nùng nơi đây, từ lễ cúng mụ sinh, lễ mừng thọ, dựng nhà, lấy vợ, gả chồng và cả khi chết…

Các thầy Then tham gia làm lễ Lẩu then tại gia đình Thầy Then Sầm Thị Mỵ thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn

Thành phần tham gia buổi lễ gồm thầy Then được làm lễ, người thầy của thầy Then có nhiệm vụ hướng dẫn cho học trò trong buổi lễ, các thầyThen cùng dòng tới để phụ giúp mọi việc, hai người phụ nữ chưa lập ra đình hoặc là góa phụ đứng hai bên bàn thờ phụ giúp cho các thầy Then. Tùy theo tính chất của từng buổi lễ mà thời gian có sự thay đổi, tuy nhiên thông thường, mỗi buổi lễ sẽ diễn ra hai ngày một đêm. Những người tham gia buổi lễ phải kiêng khem rất khắt khe trong 1 tháng như: Không quan hệ vợ chồng, không đi thăm gái đẻ, không đi dự đám ma....Chính vì kiêng khem như vậy cho nên những người tham gia phụ lễ thường là những người trong gia đình, dòng họ như em trai, em dâu, chị dâu, em gái... Bên cạnh đó, trong suốt quá trình diễn ra buổi lễ, các thầy Then đều phải ăn chay cho tới khi thực hiện xong nghi lễ.

Để chuẩn bị cho buổi lễ được diễn ra chu toàn, trước đó cả tháng, gia đình thầy Then phải đi sắm sửa lễ vật và điện mời mọi người tới dự lễ. Lễ vật dâng cúng gồm có xôi, gà, rượu, gạo, tiền vàng, trầu cau, hoa quả được sắp ở trước đàn lễ của bà then. Trong một cuộc làm then cũng như ngày đại lễ không thể thiếu được những dụng cụ, nhạc cụ dùng trong lễ then. Đó là cây đàn tính, chùm sóc nhạc, ấn sắc, quạt, kiếm... trong đó sử dụng thường xuyên nhất là cây đàn tính và chùm sóc nhạc dùng để đi nhạc ngựa. Vào cuộc lễ, lời hát theo hình thức diễn xướng tổng hợp ca nhạc gồm đàn tính, múa diễn với nhiều tình huống khác nhau, âm nhạc là yếu tố xuyên suốt cuộc hát then.

Thầy Then tiến hành giải hết các uế tạp trong bàn thờ Then, trong nhà để mọi thứ thanh sạch.

Đến ngày tổ chức nghi lễ, thầy then sẽ mang hết các bát hương ở điện thờ ra bốc lại bát hương mới rồi đặt tại nơi sẽ diễn ra nghi lễ. Ban thờ diễn ra nghi lễ gồm có 2 bàn, 1 bàn cao đặt các bát hương của các Thầy Pháp sư, gia tiên, và các tiên cô cùng ông mãnh. Ban bên dưới đặt ba mâm ngọt để cúng, mỗi mâm gồm 2 bát hương đổ đầy gạo, hoa quả, năm chén rượu. Một mâm chính giữa dành riêng cho thầy then được làm lễ, hai mâm bên cạnh của hai người thầy thầy then. Phía bên trái, thầy then để hai thúng gạo, bên trên có hai chiếc thang được làm bằng tre, một chiếc thang có che vải màu đỏ tượng trưng cho con đường để đón các Tướng về, thang nhỏ không che vải tượng trưng cho quá trình "nối số", tức là cúng cho những người yếu được mạnh khỏe, sống lâu hơn.

Mở đầu buổi lễ các thầy then sẽ dùng lời then và đàn tính để báo cáo thổ công, gia tiên của gia đình nội dung buổi lễ. Tiếp theo là một "chặng đường" của đội quân nhà then đi đến Tướng lĩnh, pháp sư để báo cho những đấng thần linh biết mục đích của buổi lễ. Trong một lễ Then, quan quân nhà Then phải trải qua nhiều cung cửa, quãng đường từ những nơi đẹp đẽ đến gian khổ, từ non cao núi thẳm đến miền sông nước mênh mông. Hành trình thường bắt đầu từ nhà gia chủ, Thổ công, Thành hoàng để đến Ngọc hoàng Thượng đế, xuống đến Long cung Thủy phủ để cầu xin những điều tối hệ trọng. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mỗi đám then có một đường then (trình tự then) riêng biệt trong lời then gọi đó là 17 cửa ải, 12 cung. Trình tự tên gọi các cung, các cửa ải có thể khác nhau nhưng có một số cửa đường Then nào cũng có đó là các cửa: Thổ Công, Tổ tiên, Tổ sư, Khảm hải, Dả dỉn, chợ Tam Quang, Cửa hạn, Tam bảo và Ngọc hoàng. Dẫn đầu đội quân nhà then là người thầy của bà then, người này sẽ dùng những lời then cổ để dẫn đội then vượt qua từng "cửa ải". Dụng cụ của các bà then là cây đàn tính, chiếc quạt, thẻ âm dương và sóc nhạc tượng trưng cho một đàn ngựa đi hùng dũng. Tới mỗi "cửa ải", sau khi xin được đi qua, các bà then sẽ phất chiếc quạt và tiếp tục đi đến các chặng tiếp theo. Qua mỗi "cửa ải" các lời then đều được thay đổi cho phù hợp với hành động của bà then, chứa đựng những giá trị nhân văn, giáo dục truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Nùng.

Lẩu Then của người Nùng

Trong những buổi làm lễ lớn, Thầy Then ngoài việc ngồi đánh đàn và hát thỉnh các thánh, động tác sử dụng trong cuộc diễn xướng còn có các điệu múa chầu trước đàn lễ. Trong cuộc diễn xướng then, các thầy then thường thể hiện điệu múa chầu song song với khúc hát chầu tổ tiên, chầu cung vua, chầu chúa trời... Các động tác múa dứt khoát, khoan thai, uyển chuyển, nhẹ nhàng mang tính ước lệ; thể hiện mô phỏng các thao tác lao động sản xuất, từ việc cày cấy, thu hoạch, chăn nuôi, chăm sóc, săn bắt tạo nên các sản phẩm có mặt trong mâm lễ vật dâng cúng.

Trong quá trình thực hiện nghi lễ, họ hàng và dân làng tới xem rất đông. Những người tới đều mang theo một túi gạo, túi bánh vừa để góp lễ vừa để nhờ bà then giải hạn cho gia đình sang một năm mới an lành. Những túi gạo được gia chủ đặt trên giá làm bằng tre gọi là bạch hương. Giữa buổi lễ, các Thầy then tiến hành nghi lễ giải hạn. Thầy then cầm cây mía có buộc vải đỏ và cắm 3 que hương ở ngọn tượng trưng cho cây tẩy uế xin bốn phương. Sau đó, đứng dưới bạch hương, những que hương trên cây mía của Thầy then dừng lại ở túi gạo nào thì túi gạo ấy có hạn và được đánh dấu để được giải hạn. Lễ giải hạn sẽ làm lại vào sáng hôm sau để chắc chắn không có túi gạo nào cũng như gia đình nào không được giải hạn.

Then Nùng

Có thể nói nghi lễ then của người Nùng ở huyện Lục Ngạn nói riêng và của người Nùng tỉnh Bắc Giang nói chung là một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng về thể loại và có giá trị cao về nghệ thuật. Đây là vốn di sản văn hóa đáng tự hào của đồng bào, qua đó thể hiện đời sống văn hóa truyền thống lâu đời có sự kế thừa của thế hệ sau với tổ tiên của họ. Đồng bào nơi đây đã không ngừng bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa độc đáo và đặc sắc này của dân tộc mình cho thế hệ hôm nay và còn mãi mai sau./.

 Nguyễn Thị Duyên

 

 

 

0 Bình luận

Loading...